Từ bỏ công việc ổn định tại tập đoàn lớn, hai chàng trai gốc Việt lựa chọn con đường khởi nghiệp đầy mạo hiểm. Với những đôi giày được làm từ bã cà phê, hai chàng trai trẻ đã lọt top Forbes 30 Under 30 của châu Âu năm 2020 hạng mục Doanh nghiệp xã hội.
Xu thế mới cho ngành công nghiệp sản xuất giày
Jesse Khánh Trần (SN 1992) và Sơn Chu (SN 1996) là hai du học sinh tại Phần Lan. Khánh Trần sinh ra và lớn lên tại TP.Hồ Chí Minh, trong khi Sơn Chu là người Hà Nội chính gốc. Cả hai con người với những tính cách khác nhau, background không giống nhau cùng hàng tá thứ khác không đồng quan điểm nhau, nhưng vì có cùng một tầm nhìn nên cả hai phối hợp với nhau rất ăn ý.
Sau khi “suýt” tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Kinh doanh quốc tế và Logistic, Đại học Aalto, trường đại học hàng đầu Phần Lan và có thứ hạng tốt trên thế giới, Khánh đầu quân cho một công ty “start-up” lớn ở đây.
Trải qua một thời gian đi làm thuê, Khánh tách ra để làm “start-up” đầu tiên của riêng mình. “Start-up” đầu tiên của Khánh là mô hình giúp các nhãn hàng thời trang nhỏ của châu Âu làm việc với các nhà máy chất lượng cao, thân thiện với môi trường ở Việt Nam và Trung Quốc.
Khi “start-up” đầu tiên không hiệu quả, với kinh nghiệm làm việc trong ngành thời trang, Khánh rủ Sơn cho ra đời Rens Originals. Lúc ấy, Sơn đang làm việc cho Zalando, sàn thương mại điện tử về thời trang lớn nhất châu Âu.
Những ngày khởi đầu, đôi giày của Rens chưa phải làm từ chất liệu bã cà phê và ly nhựa, mà làm từ cotton hữu cơ. Đến giai đoạn khảo sát thị trường tiềm năng, 2 chàng trai nhận thấy sản phẩm của mình không được đánh giá cao nên quyết định không đưa sản phẩm ra thị trường. Từ đó, họ chuyển sang chọn nguyên liệu bã cà phê.
Nguyên nhân lựa chọn bã cà phê vì các tính năng như chống mùi, khô nhanh, chống vi khuẩn,v.v… Ngoài ra, Phần Lan cũng là quốc gia tiêu thụ nhiều cà phê nhất thế giới, còn Việt Nam thì có sản lượng trồng cà phê lớn nhất thế giới.
Bắt đầu ăn ngủ với Rens từ cuối năm 2017 và cho đến tận mùa hè năm 2019, sản phẩm đầu tiên của 2 chàng trai mới được tung ra thị trường sau vô vàn khó khăn. Những ngày đầu chỉ có 2 người với nhau, không có văn phòng, không có nhà đầu tư. Hai chàng trai ngồi suốt ở trường đại học của mình – nơi có nhiều chính sách hỗ trợ các start-up. Khánh thừa nhận, ban đầu mặc dù mọi người rất thích ý tưởng, nguyên vật liệu và các tính năng nhưng mẫu mã của phiên bản đầu tiên không được đẹp như hiện tại.
Hiện tại, một đôi giày của Rens chứa hơn 60% nguyên liệu làm từ bã cà phê và nhựa tái chế, chỉ riêng phần đế giày là không phải từ nguyên liệu tái chế. Thị trường lớn nhất hiện nay của Khánh và Sơn là Mỹ, sau đó đến Đức, Anh, Phần Lan. Trong thời gian tới, 2 chàng trai dự kiến sẽ tung ra những mẫu giày mới với những nguyên liệu tái chế mới. Đồng thời, mở rộng thị trường sang các nước khác ở châu Âu cũng nằm trong kế hoạch của họ.
Trong khoảng 1 năm kể từ khi đưa sản phẩm ra thị trường, Rens đã bán được gần 20.000 đôi giày với giá 119 USD/ đôi, Khánh tiết lộ. Chàng trai sinh năm 1992 cũng cho biết, theo dự kiến, từ đầu năm sau sẽ chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam.
Với Rens, Khánh và Sơn chia sẻ, mục tiêu lớn nhất của họ không phải là kiếm thật nhiều tiền. “Tất nhiên khi mình làm tốt thì việc kiếm được nhiều tiền, có vị thế trong xã hội… sẽ đi kèm theo đó. Nhưng tham vọng lớn nhất của bọn mình là muốn Rens trở thành một xu thế, để các thương hiệu thời trang lớn nhỏ khác cùng đi theo – cùng chuyển sang dùng các nguyên liệu thân thiện với môi trường”.
“Bọn mình muốn ngành công nghiệp thời trang từ một ngành ô nhiễm thứ nhì thế giới trở thành một ngành giúp xử lý rác thải và chống biến đổi khí hậu. Thậm chí, rộng hơn nữa, Rens sẽ giúp lan truyền xu thế này sang các ngành sản xuất, tiêu dùng khác”.
Những đôi giày sneakerhead thân thiện với môi trường
Tự nhận bản thân là sneakerheads, những người cuồng giày sneaker, Khánh Trần và Sơn Chu với kinh nghiệm cùng hiểu biết của bản thân về giày, đã nhanh chóng nảy ra ý tưởng về một đôi giày độc đáo khi biết được ngành công nghiệp may mặc gây tác động cực xấu đến môi trường. Giày dép hay áo quần sinh thái không phải là một ý tưởng mới, đã có rất nhiều người sáng tạo thời trang từ những vật liệu thân thiện với môi trường, nhưng vấn đề đối với chúng là… quá xấu. Vì quá tập trung vào chất liệu tự nhiên, các sản phẩm này thường không được đón nhận do vẻ ngoài kém bắt mắt.
Với việc sử dụng 300 gram bã cà phê được lấy từ các cửa hàng tiện lợi và quán cà phê trong thành phố thủ đô Helsinki, “trộn lẫn” với 500 ml nhựa tái chế, một đôi giày Rens đã ra đời với khối lượng siêu nhẹ là 460 gram cùng khả năng chống nước, khử mùi chân, chống trơn trượt và rất cool ngầu với 9 màu sắc khác nhau.
Ngay sau khi ra mắt, chỉ trong vòng 24 giờ, đã có 177 người đăng ký ủng hộ với số tiền 19.200 USD và vượt chỉ tiêu đến 101% để trở thành chiến dịch gọi vốn nhanh nhất ở Phần Lan trong ngày đầu tiên. Cùng với đó, nhóm đã nhận được 457.000 USD (tương đương 10,3 tỷ đồng) từ cộng đồng trên nền tảng gọi vốn Kickstarter, sự quan tâm từ những nhân vật đặc biệt như Tổng Giám đốc Unilever hay Liên Hiệp Quốc cùng các nhà đầu tư lớn ở khắp Phần Lan.
Tính đến thời điểm cuối năm 2019, thương hiệu giày thời trang thân thiện với môi trường Rens đã có hơn 4.000 đơn hàng đến từ 60 quốc gia trên khắp thế giới. Trong tương lai, công ty mong muốn mở rộng sang các thị trường lớn như châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á và dĩ nhiên không thể thiếu dải đất hình chữ S.
Mới đây, Rens Original, công ty khởi nghiệp sinh thái có trụ sở tại Helsinki (Phần Lan), thành lập bởi hai nhà sáng lập trẻ tuổi người Việt Nam ra mắt sản phẩm thứ hai có tên Nomad. Lần ra mắt này, nhãn hiệu đặt mục tiêu vượt qua kỷ lục của chính mình, gây quỹ 1 triệu USD để sản xuất và phân phối giày thể thao trung tính với khí hậu.
Sơn Chu, đồng sáng lập công ty chia sẻ, đôi giày làm từ bã cà phê tái chế có vẻ mới lạ đối với một số người nhưng chúng tôi tin đây là bước khởi đầu của cuộc cách mạng trong công nghệ và sản xuất may mặc. Đôi giày mới có tên là Nomad, được làm từ chất thải cà phê và chai lọ tái chế. Thêm nữa, polyester tái chế sẽ được sử dụng để tạo ra lớp màng giúp giày không thấm nước.
Khánh Trần, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Rens cho hay, công ty đang tiếp tục sứ mệnh thúc đẩy thời trang bền vững với công nghệ và mô hình mới. Công ty đặc biệt vui mừng vì những phản hồi từ khách hàng trong quá trình phát triển Nomad. Họ đã yêu cầu đôi giày thể thao có hiệu suất tốt.
Chưa dừng lại ở đó, những người ủng hộ chiến dịch Kickstarter có thể mua giày thể thao Nomad trung tính với khí hậu của họ. Sản phẩm có 9 màu sắc với mức giá bắt đầu từ 89 USD trong 8 giờ đầu tiên mở bán. Sau thời gian trên, giá của đôi giày sẽ chuyển sang 109 USD.
Lần ra mắt mới nhất của đôi giày Nomad cho thấy xu hướng ngày càng tăng đối với quần áo thể thao được làm từ vật liệu tái chế. Bên cạnh đó, ý thức của mọi người về tầm quan trọng và tính khả thi trong các sản phẩm tiêu dùng bền vững đã xuất hiện trên phạm vi rộng hơn.
Vào tháng 6/2021, nhà phân tích thị trường Mintel cho biết họ đang thấy ngày càng nhiều thương hiệu tung ra quần áo thể thao được làm từ vật liệu tái chế. Ví dụ như thương hiệu của Pháp Salomon đã phát hành đôi giày chạy bộ với phần trên làm từ polyester tái chế thành các sợi vải mới.
Mintel dự đoán các thương hiệu sẽ chuyển sang quy trình và kế hoạch sản xuất bền vững để khuyến khích việc trả lại những sản phẩm đã qua sử dụng. Điều này có lợi cho cả khách hàng và thương hiệu.
Diệu Hương (T/h)