Quy trình sơ chế và cấu tạo cà phê nhân
Sau khi thu hoạch, trái cà phê sẽ được sơ chế bằng các phương pháp khác nhau như sơ chế khô, ướt, hoặc mật ong. Tiếp theo, cà phê được làm khô (phơi hoặc sấy) cho đến khi đạt độ ẩm tiêu chuẩn, phân loại và lưu kho. Trái cà phê thông thường có hai nhân (hạt), nhưng có thể chỉ có một nhân (bi hay còn gọi là Culi) trong những trái đột biến.
Cà phê nhân chưa qua rang được gọi là cà phê nhân xanh hoặc cà phê nhân sống, và cấu tạo của hạt cà phê gồm ba thành phần chính:
- Vỏ trấu (vỏ thóc): Đây là lớp vỏ cứng và dày, có màu vàng đục, bao bọc bên ngoài hạt cà phê. Vỏ trấu bảo vệ hạt nhân và mầm, đồng thời hạn chế sự xâm nhập của các tác nhân gây hại như độ ẩm, nhiệt độ, côn trùng, và vi sinh vật.
- Vỏ lụa: Đây là lớp vỏ mỏng, có màu vàng nhạt, bọc quanh nhân cà phê. Vỏ lụa thường được loại bỏ bằng cách đánh bóng hạt để tăng tính thẩm mỹ và hạn chế nguy cơ bị ám khói trong quá trình rang do cháy vỏ lụa.
- Nhân cà phê: Đây là phần chính và quan trọng nhất của hạt cà phê, chứa dưỡng chất, mầm và các thành phần tạo nên hương vị đặc trưng của cà phê.
Lưu ý
Các nhà nông, đại lý hoặc nhà máy thường xát tách lớp vỏ thóc (vỏ trấu) để tiết kiệm diện tích lưu trữ khi bảo quản. Tuy nhiên, để duy trì chất lượng cà phê nhân ổn định và kéo dài thời gian bảo quản, đặc biệt với cà phê Arabica, tốt nhất chỉ nên xát tách vỏ thóc và vỏ lụa ngay trước khi rang.
Với cà phê sơ chế mật ong (honey process), lớp vỏ lụa thường bám sát vào hạt nhân, nên cần chú ý kỹ thuật rang, điều chỉnh luồng gió và lửa phù hợp để đảm bảo chất lượng tối ưu trong quá trình rang.
Cà phê nhân còn giữ lớp vỏ lụa thường được thợ rang đánh giá cao và lựa chọn, đặc biệt với các dòng cà phê chất lượng cao. Lớp vỏ lụa bảo vệ thành phần và chất lượng cà phê nhân tốt hơn, giúp duy trì hương vị và mùi thơm đặc trưng.