Trong nhiệm kỳ mới 2021-2024, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược chuyển giao giai đoạn ngành cà phê sang thời kỳ mới.
Ngày 28/12, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tổ chức Đại hội Tổng kết Công tác nhiệm kỳ IX (2017-2020) và Bàn phương hướng nhiệm kỳ X (2021-2024).
Qua 30 năm thành lập, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) đã góp phần quan trọng nâng cao thị phần lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam lên 18%. Đứng trước những thách thức, Hiệp hội đã theo sát biến động của thị trường trên thế giới cũng như các yếu tố về kinh tế, xã hội tác động đến thị trường cà phê nhằm kịp thời đưa ra các chủ trương và kiến nghị về chính sách.
Hiệp hội đã kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ban, ngành liên quan quan tạo điều kiện cho người nông dân và doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư sau thu hoạch, tiếp cận với các chính sách hỗ trợ và kết nối thị trường xuất khẩu; Phối hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) tham gia ý kiến để đàm phán sửa đổi, bổ sung Hiệp định Cà phê Quốc tế (ICA) 2007, tập trung vào những vấn đề liên quan đến vai trò và quyền lợi của Việt Nam tại ICO.
Về sản xuất, VICOFA phối hợp với các Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học và Công Nghệ, Viện WASI để xây dựng các quy trình, tiêu chuẩn, văn bản hướng dẫn nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành cà phê; Phối hợp với Cục BVTV tổ chức Đoàn khảo sát việc sử dụng thuốc diệt cỏ trong cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên nhằm loại bỏ hoạt chất glyphosate, đáp ứng yêu cầu an toàn của EU.
Trong nhiệm kỳ IX, hội cũng đã tích cực vận động các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào chế biến sâu, tăng xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan; vận động các doanh nghiệp tư nhân và hội viên mở rộng mạng lưới tiêu thụ cà phê trong nước.
Tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao sự hợp tác của VICOFA với Bộ NN-PTNT trong triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển cà phê bền vững. “Thành tựu của ngành cà phê Việt Nam ngày hôm nay là nhờ sự chung tay đóng góp của người trồng cà phê, doanh nhân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê, trong đó phải kể đến vai trò của ban lãnh đạo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá.
Để phát triển ngành cà phê bền vững hơn trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Hiệp hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Bộ NN-PTNT và các địa phương triển khai hiệu quả nghị quyết của Đại hội X đề ra trong đó tập trung vào các giải pháp:
Tiến hành rà soát, ổn định quy mô sản xuất cà phê có hiệu quả, bền vững phù hợp với nhu cầu ở thị trường, phát triển ở một số vùng cà phê đặc sản như Tây Nguyên, Tây Bắc; tiếp tục đầu tư nghiên cứu giống cà phê cho năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phục vụ tái canh cà phê; thực hiện gói kỹ thuật phát triển sản xuất an toàn; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất cà phê; thực hiện liên kết vùng; tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường…
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ X với 21 ủy viên. Ông Nguyễn Nam Hải – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giám định cà phê và hàng hóa Xuất nhập khẩu được bầu làm Chủ tịch của VICOFA nhiệm kỳ X (2021-2024).
Bước sang nhiệm kỳ X, VICOFA tiếp tục triển khai thực hiện thời kỳ mới phát triển cà phê với hai mục tiêu chính: Thứ nhất, duy trì vị trí của Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới. Thứ hai, tăng xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan và nâng kim ngạch xuất khẩu lên 5-6 tỷ USD vào năm 2030 với phương châm “năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng”.
Để thực hiện hóa các mục tiêu đề ra, VICOFA sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn thực hiện Đề án cấp chứng nhận nhãn hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao; tiếp tục tái canh, thử nghiệm các giống cà phê chè và vối mới chịu hạn, năng suất cao; đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê chế biến sâu vào các thị trường trong Hiệp định EVFTA, EUKFTA và các nước khác có hiệp định FTA; thúc đẩy tiêu thụ nội địa; tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế.